Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Căn bệnh gây đột tử khi ngủ ở người trẻ châu Á

Bệnh Brugada, một trong những nguyên nhân gây đột tử ở người trẻ tuổi, có thể chiếm đến 20% trường hợp đột tử ở người khỏe mạnh. Bệnh thường gặp ở khu vực Châu Á. Tuy nhiên, hiểu biết về bệnh ở các bác sỹ và người dân chưa được phổ biến ở Việt Nam
Bệnh Brugada, hay hội chứng Brugada là một bệnh tương đối hiếm trên thế giới, song lại thường gặp ở các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có thể là nguyên nhân gây tử vong thường gặp đứng hàng thứ hai ở người trẻ tuổi, chỉ sau tai nạn giao thông ở các nước Châu Á. Ngoài ra bệnh Brugada có thể là nguyên nhân gây đột tử ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việt Nam hiện chưa có thống kê đầy đủ của bệnh.

Brugada là bệnh di truyền gen trội, vì vậy gia đình có tiền sử người bị bệnh Brugada hay đột tử có nguy cơ cao mắc bệnh này. Cơ chế của bệnh là do một đột biến ở gen vận chuyển Natri ở màng tế bào cơ tim. Bệnh Brugada thường không có biểu hiện triệu chứng lâu dài hay rầm rộ, và hiểu biết về bệnh chưa được phổ biến, vì vậy nhiều người bệnh đột tử do bệnh Brugada không được chẩn đoán. Người bệnh thường không có triệu chứng cụ thể, một số ít (10-20%) có thể có biểu hiện rối loạn nhịp tim, cảm giác hồi hộp đánh trống ngực. Một số thuốc chống loạn nhịp (ví dụ Flecainide hay Procainamide), rượu hay cocain có thể làm tăng nguy cơ biểu hiện của bệnh trên người có gen đột biến. Một số bệnh nhân có cơn ngất. Hầu hết bệnh nhân được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe đọc điện tâm đồ, tuy nhiên một số thuốc cũng có thể che đậy biểu hiện của bệnh trên điện tâm đồ. Hậu quả hay gặp nhất của bệnh là đột tử do rối loạn nhịp tim, thường là rung thất hay nhịp nhanh thất. Đột tử thường hay gặp về đêm trong lúc ngủ.

Bệnh được chẩn đoán bằng điện tâm đồ, hoặc có thể kết hợp với thăm dò điện sinh lý tim. Hiện nay có hai phương pháp điều trị là dùng thuốc và cấy máy chống loạn nhịp tim (defibrillator) dưới da. Hiện các phương pháp chẩn đoán và điều trị này có thể thực hiện ở Việt Nam. Tùy theo biểu hiện lâm sàng, tiền sử gia đình, và đặc điểm trên điện tâm đồ mà người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc hay cấy máy chống loạn nhịp. Người dân có thể đi khám sàng lọc bằng điện tâm đồ nếu gia đình có người được chẩn đoán mắc bệnh Brugada, hoặc gia đình có người bị đột tử trẻ tuổi. Ngoài ra việc hạn chế lạm dụng rượu bia và không sử dụng cocain cũng giảm nguy cơ biểu hiện của bệnh Brugada, cũng như nhiều nguy cơ khác, trên bệnh nhân có gen đột biến nhưng không có biểu hiện lâm sàng.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Diễn viên 'Tối nay ăn gì' treo cổ tự tử sau khi cãi nhau với vợ

Kim Sung Min được đưa tới bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê.


Tờ Chosun đưa tin nam diễn viên Kim Sung Min treo cổ tự tử tại nhà riêng vào rạng sáng nay - 24/6. Theo điều tra của cảnh sát, khoảng 1h sáng (giờ Seoul), vợ chồng Kim Sung Min tranh cãi. Con trai nam diễn viên gọi điện báo cảnh sát rằng mẹ bị bố bạo hành. Khi cảnh sát tới nơi, vợ của Kim Sung Min nói vợ chồng cô chỉ cãi nhau chuyện vặt, không xảy ra điều gì nghiêm trọng. Người vợ nói cô và con trai sẽ tới nhà người thân ở qua đêm.

Tuy nhiên sau khi rời khỏi nhà, vợ của Kim Sung Min gọi điện cho cảnh sát trình bày: "Mỗi lần uống rượu, chồng tôi đều đòi chết. Lúc nãy khi cãi nhau, tôi đòi chia tay. Tôi lo anh ấy xảy ra chuyện gì". Người vợ mong muốn cảnh sát tới nhà mình để xem tình hình của Kim Sung Min.

Tới khoảng 1h55, khi vào nhà nam diễn viên, cảnh sát phát hiện anh treo cổ. Anh được đưa tới bệnh viện cấp cứu, hiện còn hôn mê.

Kim Sung Min sinh năm 1973 trong gia đình giàu có, bố làm lãnh đạo ở một tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Với ngoại hình sáng sủa, từ hồi cấp ba, Sung Min đã được mời làm người mẫu ảnh. Gia nhập làng phim, Kim Sung Min được biết đến với Tối nay ăn gì, Cô hàng xóm, Vị ngọt hôn nhân...

Sự nghiệp diễn xuất của Kim Sung Min đi xuống khi anh vướng vòng lao lý. Năm 2010, nam diễn viên nhận án tù treo vì buôn lậu chất cấm. Năm ngoái, nam diễn viên lại phải ngồi tù vì tàng trữ và sử dụng ma túy.

Du khách Mỹ kể chuyện ăn lẩu thịt chó ở Trung Quốc

Đặt chân đến xứ sở thịt chó trứ danh của Trung Quốc, chàng trai người Mỹ nghĩ bụng mình nhất định phải thử món ăn đặc biệt này.
Ben Ross, du học sinh đến từ Mỹ, đã có thời gian sống tại Trung Quốc. Ngoài giờ làm trợ giảng tại văn phòng Đại học Chicago ở Bắc Kinh, Ben rất thích ghé thăm những tiệm cắt tóc trong lòng thủ đô. Anh thường ngồi nhâm nhi trà nóng, rít vài hơi từ điếu thuốc ai đó đưa cho và chuyện trò với người dân thành phố rồi lại "ghép" những giai thoại của họ thành một bức tranh đa chiều trên trang blog của mình.
“Nói cho tôi biết đi, có thật là người Trung Quốc ăn thịt chó không?”

Ben đã được hỏi như thế ít nhất một lần khi anh trở về Mỹ. Để trả lời hết thảy những thắc mắc này, anh quyết định kể với họ về chuyến đi của mình đến thị trấn Diên Cát (thuộc tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc). Chỉ nằm cách biên giới Trung Quốc với Bắc Triều Tiên hơn 20 km, Diên Cát là nơi sinh sống của một bộ phận lớn dân tộc thiểu số Triều Tiên. Không chỉ có món mì lạnh trứ danh từ nước láng giềng, thị trấn này còn nổi tiếng với món thịt chó. Ở đây, người dân có một khu phố thịt chó tràn ngập các cửa hàng treo biển hiệu quảng cáo đủ món.

Lặn lội từ Bắc Kinh, Ben tự nhủ anh phải thử món ăn này khi đã đặt chân đến một trong những nơi nổi tiếng thế giới về thịt chó. Đi cùng hai người bạn Trung Quốc, Ben đã tìm đến một quán có phục vụ lẩu chó. Nồi lẩu được gắn giữa bàn, nước lẩu cay được hầm từ xương lợn. Trên bàn, nhiều loại thịt, rau và những món Ben cùng hai người bạn gọi thêm theo thực đơn như thịt chó loại nạc, bắp cải và rau diếp.

Theo ẩm thực miền Đông Bắc, những món nguội như rong biển tươi, tỏi muối và kim chi được bày ra làm khai vị trong lúc thực khách đợi đồ ăn trong lẩu chín. Khi thịt đã săn lại và ngấm gia vị từ nước lẩu, Ben nhúng đũa vào nồi, gắp một dải thịt mỏng ra. Thịt chó chín có màu nâu, dải thịt không mịn, Ben nghĩ rằng anh không thể phân biệt được nó với một miếng thịt bò. Điểm nhẹ miếng thịt vào bát nước chấm cay, Ben đưa lên miệng và nhai. Thớ thịt chó mỏng và mềm, mùi không đặc trưng như thịt bò hay lợn, và chắc chắn nó không có vị như thịt gà, Ben thấy nó giống nhất với thịt thỏ. Kết thúc bữa ăn với vài chai bia, Ben nghỉ ngơi vào tối hôm đó. Anh cũng có chút tiếc nuối khi không giữ lại được ảnh về bữa tối đặc biệt của mình do bị đánh cắp máy ảnh trong chuyến dạo chơi sau này tại thành phố Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh.
Ben chia sẻ rằng dù có đi xa khỏi thủ đô Trung Quốc, anh vẫn được người dân địa phương đón nhận và hỏi chụp ảnh cùng. Bức ảnh trên được anh chụp tại thành phố Quế Dương, tỉnh Quý Châu. Ảnh: Ben Ross.

“Người Trung Quốc có thói quen ăn thịt chó như thế nào?”

Dù câu trả lời cho việc người Trung Quốc ăn thịt chó đã khá rõ ràng, song Ben cho rằng mọi người còn nhiều hiểu nhầm về thói quen ăn uống này. Anh kể rằng cả khu vực nội ngoại thành của Diên Cát hay những vùng khác của Trung Quốc, người dân đều ăn thịt chó. Tuy nhiên, những con chó xuất hiện trên bàn ăn hoàn toàn không cùng giống với những loài con người hay nuôi. Hầu hết đây là những con chó được nuôi lấy thịt hay chó hoang. Những con vật này bị pha tạp giữa nhiều giống, do đó chúng cũng không hẳn là một loài. Theo Ben, chúng không biết thể hiện tình cảm hay đùa nghịch với con người như giống chó nuôi trong nhà bởi tất cả đều được nuôi trong trang trại.

Mặc dù người Trung Quốc có ăn thịt chó, nhưng loại thực phẩm này không hề phổ biến như thịt lợn, thịt bò hay gà một phần vì giá thành. Ben so sánh với việc người Mỹ thích ăn tôm hùm nhưng họ chỉ ăn vào những dịp đặc biệt, người Trung Quốc cũng chỉ ăn thịt chó vào một số dịp do giá cho một kg loại thịt này đắt hơn thịt thông thường. Hơn nữa, Diên Cát cũng chỉ là một lựa chọn cho thực khách, dân cư tại nhiều vùng của Trung Quốc khác hiếm khi hoặc thậm chí không ăn thịt chó. Chưa kể đến việc người Trung Quốc đang ngày càng cưng loài vật này hơn, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người phản đối ăn thịt chó hơn.

Khép lại câu chuyện của mình, Ben mách cho những du khách có ý định ăn thử thịt chó rằng họ không cần phải đến tận Diên Cát mới được thưởng thức, bởi nhiều nhà hàng tại hầu hết thành phố lớn của Trung Quốc đều phục vụ món ăn này. Du khách chỉ cần tìm những bảng hiệu có chữ 狗肉 (nghĩa là thịt chó trong tiếng Trung). Và những ai không muốn động đũa đến một món ăn nào có thịt chó, Ben cũng trấn an rằng nếu họ yêu cầu nhà hàng phục vụ gà Kung Pao cay, món thịt đó nhất định vẫn sẽ là gà Kung Pao.

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Bí thư xã bị cách chức vì 'ém' tiền Tết của người nghèo

Lãnh đạo xã đưa gần 90 hộ nghèo vào hồ sơ thanh quyết toán khống để nhận tiền hỗ trợ quà Tết từ huyện nhưng không phát lại cho dân.


Ngày 22/6, Huyện ủy Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang điều động ông Đặng Văn Dũng – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thuận về Văn phòng UBND huyện chờ phân công nhiệm vụ khác.

Ông Dũng bị cáo buộc lập danh sách và hồ sơ thanh quyết toán khống tiền hỗ trợ cho 86 hộ nghèo trên địa bàn xã trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhằm nhận tiền và quà (43 triệu đồng, mỗi hộ 500.000). Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, chỉ có 14 triệu đồng được cấp phát cho người nghèo, số còn lại bị xã "ém" cho đến nay.

Trao đổi với PV, ông Dũng giải thích do khi cấp phát tiền xong, cán bộ bỏ mất danh sách, nên khi Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện hối quyết toán, "anh em đã lập lại danh sách và ký khống chữ ký của các hộ dân".

"Tôi thừa nhận bảng danh sách 86 hộ nghèo cùng với toàn bộ hồ sơ thanh quyết toán tiền hỗ trợ quà Tết đều được lập khống và sai quy định", ông Dũng nói.

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

Tàu sân bay - công cụ Mỹ răn đe Trung Quốc ở Biển Đông

Bất chấp mối đe dọa từ tên lửa Trung Quốc, tàu sân bay vẫn là vũ khí uy lực để Mỹ phát đi thông điệp quan trọng trên Biển Đông.

Tàu sân bay USS Jonh C. Stennis của hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

Ngày 5/6, tàu sân bay USS John C. Stennis của hải quân Mỹ rời Biển Đông, một trong những vùng biển tiềm ẩn nguy cơ xung đột lớn nhất thế giới hiện nay, để tham gia một cuộc diễn tập với Philippines.

Tàu Stennis đã hiện diện trên Biển Đông gần ba tháng liên tục, thực hiện những chuyến tuần tra nhằm thể hiện cam kết "tái cân bằng" của Mỹ đối với các nước trong khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những hành động quyết liệt hơn trên vùng biển này, theo Navy Times.

Trong suốt thời gian đó, tàu Stennis thường xuyên bị các tàu hải quân của Trung Quốc bám theo, và hiển nhiên sự hiện diện của biểu tượng sức mạnh quân sự Mỹ trên Biển Đông đã khiến nhà chức trách Bắc Kinh cảm thấy khó chịu. Hồi tháng 5, chính quyền Trung Quốc đã từ chối cho phép chiếc tàu sân bay này cập cảng Hong Kong, cho rằng hành động ghé thăm này là "bất tiện".

Sau khi rời khỏi Biển Đông, tàu sân bay Stennis không đi đâu xa, mà tham gia vào một màn phô diễn lực lượng hoành tráng cùng tàu sân bay USS Ronald Reagan trên biển Philippines, cách không xa Biển Đông.

Hải quân Mỹ cho biết sự xuất hiện của hai siêu tàu sân bay đồng thời ở gần Biển Đông là hành động đã được tính toán về thời điểm, ngay trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" phi lý do Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên vùng biển này. Đồng thời, họ cũng nhấn mạnh đây là sự thể hiện "khả năng độc đáo của Mỹ vận hành nhiều cụm tàu sân bay chiến đấu ở cạnh nhau".

Sau khi tàu sân bay Stennis rời đi, tàu khu trục Spruance, một chiến hạm trong cụm tàu chiến hành động ở tây Thái Bình Dương, đã được giao nhiệm vụ triển khai tới Biển Đông từ ngày 8/6 và tuần tra ở khu vực này.

Theo giới quan sát, trong ba tháng hiện diện ở Biển Đông, tàu sân bay Stennis đã trở thành biểu tượng cho phản ứng của Mỹ đối với các hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, ồ ạt bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo và triển khai nhiều vũ khí, khí tài xuống Biển Đông. Nhà Trắng coi những hành động này của Trung Quốc là "chiến thuật đe dọa" nhằm uy hiếp các nước láng giềng, đe dọa đến tự do hàng hải trong khu vực.

Để có thể phô diễn tối đa sức mạnh của mình, trong quá trình tuần tra trên Biển Đông, tàu Stennis đã tham gia vào các cuộc diễn tập với lực lượng phòng vệ Nhật Bản và hải quân Ấn Độ, sau đó tham gia phối hợp cùng với tàu sân bay Reagan. "Đây là cơ hội tốt để chúng tôi luyện tập trong bối cảnh sát với thực tế. Chúng tôi phải tận dụng cơ hội này để luyện các kỹ năng chiến đấu cần thiết trong các chiến dịch hải quân hiện đại", chuẩn đô đốc John Alexander, chỉ huy cụm tàu sân bay chiến đấu Reagan, cho biết.


Hải quân Mỹ sử dụng tàu sân bay để phô diễn lực lượng và phát đi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc trong bối cảnh ngày càng có nhiều quân sự lo ngại rằng tàu sân bay Mỹ đang ngày càng đánh mất dần vai trò và vị thế của mình trước các loại tên lửa diệt hạm giá rẻ uy lực lớn của Trung Quốc.
Tàu Stennis và tàu Reagan phối hợp tuần tra trên biển Philippines. Ảnh: US Navy
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trong bối cảnh hiện nay, tàu sân bay vẫn là công cụ hữu hiệu nhất của Mỹ để vừa trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vừa để răn đe các hành động ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Không thể khuất phục

Gần đây, Trung Quốc đã trình làng nhiều loại vũ khí diệt hạm tầm xa mới, trong đó nổi bật là tên lửa đạn đạo DF-21D, được quảng bá là có thể lao xuống mục tiêu với vận tốc nhanh kỷ lục, đồng thời có thể tự chuyển hướng để né tránh tên lửa đánh chặn. Được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay", DF-21D có thể là mối đe dọa thực sự đối với khả năng sống sót của các tàu sân bay Mỹ.

Các học giả quân sự Trung Quốc tin rằng sự hiện diện của các loại tên lửa diệt hạm như DF-21D và và DF-26 sẽ khiến các chiến lược gia Mỹ phải cân nhắc và suy nghĩ rất kỹ trước khi triển khai tàu sân bay đến các điểm nóng, đặc biệt là ở Biển Đông. Việc để mất một tàu sân bay vì tên lửa diệt hạm sẽ là thiệt hại nặng nề không thể chịu đựng nổi cả về vật chất lẫn ý chí chiến đấu đối với quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar của National Interest cho rằng mối đe dọa từ các loại tên lửa đạn đạo diệt hạm Trung Quốc đã bị thổi phồng quá mức, và trong tương lai, tàu sân bay Mỹ vẫn có thể giữ vững vị thế không thể khuất phục của mình.

Theo đó, dù các loại tên lửa diệt hạm Trung Quốc một khi được triển khai có thể gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với các tàu sân bay Mỹ, những khó khăn trong việc áp dụng thành công chiến lược "chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực" (A2/AD) mà Trung Quốc đang theo đuổi là điều đáng chú ý.

"Tôi cho rằng chiến lược A2/AD sẽ giúp đối phương có khả năng tấn công tầm xa chính xác, thế nhưng chiến lược này mang tính khát vọng nhiều hơn, bởi việc thực thi nó trên thực tế không hề dễ dàng", Đô đốc John Richardson, tư lệnh hải quân Mỹ, phát biểu trong một hội thảo do Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) tổ chức hôm 20/6.

Đô đốc Richardson chỉ ra rằng chiến lược A2/AD đã hình thành từ rất lâu, và cái mới mà Trung Quốc đang áp dụng là phối hợp các năng lực tình báo, do thám, trinh sát (ISR) với các loại vũ khí chính xác tầm xa lên một cấp độ mới, và Mỹ "cần phải đáp trả".
Tuy nhiên để có thể phát huy hiệu quả trong việc tiêu diệt tàu sân bay đối phương, tên lửa diệt hạm của Trung Quốc cần dựa vào một "chuỗi tiêu diệt" quy mô lớn, gồm các cảm biến ISR, các mạng dữ liệu, hệ thống chỉ huy, kiểm soát cùng nhiều hệ thống khác. "Chuỗi tiêu diệt" với rất nhiều thành tố, bộ phần này có thể bị tấn công và cắt đứt bằng chế áp điện tử, tác chiến mạng và các biện pháp khác. "Cách đáp trả của chúng tôi là gây ra rất nhiều cản trở cho hệ thống đó khiến chuỗi tiêu diệt bị gián đoạn", ông Richardson nói.

Khi bàn về chiến lược A2/AD, bán kính tên lửa có thể tấn công mục tiêu xâm nhập, chẳng hạn như tàu sân bay trên biển, được gọi là "vùng cấm". Tuy nhiên theo quan điểm của hải quân Mỹ, họ có thể thoải mái hoạt động trong "vùng cấm" này, miễn là áp dụng các chiến thuật khác.

Để có thể duy trì một "vùng cấm" đáng tin cậy, tất cả hệ thống cảm biến, radar, vệ tinh, liên lạc của Trung Quốc phải hoạt động trong điều kiện hoàn hảo, điều "rất khó xảy ra trong thực tế", theo ông Richardson.

"Dù sao, các tên lửa đạn đạo diệt hạm và năng lực A2/AD của Trung Quốc vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng, nhưng mối đe dọa đó không phải là không thể vượt qua, và sẽ không ngăn cản được các siêu tàu sân bay của Mỹ phô diễn sức mạnh của mình trong tương lai gần", Majumdar nhấn mạnh.

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Hoa hậu dao kéo Park Shi Yeon ly hôn

Mới đây, truyền thông Hàn Quốc đưa tin ‘Hoa hậu dao kéo’ Park Shi Yeon ly hôn khiến nhiều người hâm mộ bất ngờ.
Thông tin cho biết, cuộc hôn nhân của cặp vợ chồng ‘Hoa hậu dao kéo’ Park Shi Yeonkéo dài suốt 5 năm đã đến hồi kết thúc khi đơn ly hôn của họ được gửi tới tòa án. Đại diện quản lý của vợ chồng Park Shi Yeon cho biết, hiện đơn ly hôn của họ đã được tòa án thụ lý và sẽ tiến hành giải quyết trong vòng 17 ngày.
Hoa hậu dao kéo’ Park Shi Yeon và chồng cô là nhà tài chính Park Sang Hun kết hôn vào năm 2011. Họ đã có với nhau hai ‘thiên thần’. Park Shi Yeon được biết đến là đương kim hoa hậu Hàn Quốc năm 2000 và là diễn viên nổi tiếng, đóng trong các phim truyền hình như ‘La Dolce Vita’, ‘My Girl’, ‘Coffee House’, ‘The Greatest Love’.
Park Shi Yeon vốn được biết đến với biệt danh “Hoa hậu dao kéo” bởi khuôn mặt cô luôn biến đổi không ngừng. Sau cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc 2000, có khá nhiều vụ lùm xùm xung quanh việc cô từng phẫu thuật độn cằm, làm mí, phẫu thuật mũi… Không những vậy, trong năm 2013, Park Shi Yeon từng bị khởi tố và ngồi tù vì liên quan đến sử dụng trái phép chất cấm.

Lưỡi dao găm nạm vàng của vua Tut chế từ thiên thạch

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học quốc tế chỉ ra vua Tutankhamun được chôn cùng lưỡi dao găm có nguồn gốc từ thiên thạch trong vũ trụ.
*/ Nâng gò má / làm đầy má hóp.
Con dao găm chôn cùng vua Tutankhamun trong quan tài. Ảnh: Daniela Comelli.

Sử dụng quang phổ kế huỳnh quang tia X không gây hư hại, một nhóm các nhà nghiên cứu người Italy và Ai Cập xác nhận phần lưỡi sắt của con dao găm đặt cạnh đùi phải xác ướp vua Tut có nguồn gốc từ thiên thạch, Live Science đưa tin. Đội chuyên gia bao gồm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Bách khoa Milan, Đại học Pisa và Bảo tàng Ai Cập ở Cairo công bố chi tiết kết quả phát hiện trên tạp chí Meteoritics and Planetary Science cuối tháng 5.

Con dao găm đang nằm trong phòng trưng bày của Bảo tàng Ai Cập. Theo mô tả của Howard Carter, người phát hiện khu mộ chứa đầy báu vật của vua Tutankhamun năm 1922, đây là một con dao găm bằng vàng được chạm khắc tinh xảo và trang trí pha lê.

Chế tạo từ vật liệu kim loại đồng nhất không han gỉ, lưỡi dao có phần chuôi đúc bằng vàng. Đặc biệt, vỏ dao cũng làm từ vàng, được hoàn thiện với họa tiết hoa ly ở một mặt và hoạt tiết lông chim ở mặt kia cùng hình đầu chó rừng ở mép dao.

Những cải tiến về công nghệ cho phép các nhà nghiên cứu xác định thành phần lưỡi dao. "Tỷ lệ nickel cao chỉ rõ kim loại sắt có nguồn gốc thiên thạch", Discovery News dẫn lời Daniela Comelli, nhà khoa học ở Khoa Vật lý thuộc Đại học Bách khoa Milan, tác giả chính của nghiên cứu.

Thiên thạch sắt chủ yếu bao gồm sắt và nickel, với lượng nhỏ coban, phốt-pho, lưu huỳnh và các-bon. Trong khi đồ tạo tác sản xuất từ quặng sắt dưới lòng đất chứa tối đa 4% nickel, lưỡi dao sắt trên con dao găm của vua Tutankhamun chứa gần 11% nickel. Chứng cứ khác giúp xác nhận nguồn gốc thiên thạch của lưỡi dao đến từ dấu vết coban.

"Tỷ lệ nickel và coban trong lưỡi dao găm thống nhất với tỷ lệ ở thiên thạch sắt, tương tự tỷ lệ nguyên thủy trong thời kỳ hình thành các hành tinh thuộc hệ Mặt Trời thuở đầu", Comelli nói. Nhóm của Comelli cũng tìm hiểu về nguồn gốc của lưỡi dao sắt.

"Chúng tôi cân nhắc tất cả thiên thạch tìm thấy ở khu vực trong phạm vi bán kính 2.000 km tính từ Biển Đỏ và tìm ra 20 thiên thạch sắt", Comelli cho biết. "Chỉ một thiên thạch tên Kharga có thành phần nickel và coban tương ứng với thành phần lưỡi dao".

Một mảnh vụn thiên thạch Kharga được tìm thấy năm 2000 ở cao nguyên đá vôi tại Mersa Matruh, cảng biển cách thành phố Alexandria, Ai Cập 240 km về phía tây. Nghiên cứu cho thấy người Ai Cập cổ đại rất coi trọng sắt lấy từ thiên thạch và dùng chúng để sản xuất những đồ vật quý. Có thể, người Ai Cập cổ đại quan niệm những mẩu sắt rơi xuống từ bầu trời mang theo thông điệp của thần linh.

Chất lượng cao của lưỡi dao găm chôn cạnh vua Tut chỉ ra nghề rèn sắt rất phát triển vào thế kỷ 14 trước Công nguyên. Lưỡi dao găm không phải là vật thể duy nhất có nguồn gốc vũ trụ trong lăng mộ vị vua trẻ. Chiếc dây chuyền của nhà vua xâu qua chiếc bùa hộ mệnh hình bọ hung, chế tạo từ thủy tinh silic trên sa mạc Lybia.

Loại thủy tinh này ra đời do tác động của thiên thạch hoặc sao chổi lên mặt cát. Thủy tinh tự nhiên chỉ tồn tại ở vùng sa mạc phía tây xa xôi và hẻo lánh của Ai Cập. Để sản xuất chiếc bùa hộ mệnh, người Ai Cập cổ đại phải vượt qua quãng đường sa mạc dài hơn 800 km.